Cách xử lý điện thoại bị vô nước ngay tại nhà mà bạn nên biết

Điện thoại bị vô nước có thể gây chập các mạch dẫn đến phá hủy các linh kiện bên trong , gây hư hỏng nặng nề. Vậy phải làm thể nào khi điện thoại bị rơi vào nước. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn xử lý điện thoại bị vô nước đơn giản mà hiệu quả nhé!

1. Hậu quả khi điện thoại bị vô nước

Điện thoại bị vô nước sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng như:

  • Điện thoại bị sập nguồn, mở không lên, các chức năng của điện thoại gần như không hoạt động.
  • Điện thoại bị loạn cảm ứng, nặng hơn là bị liệt hoàn toàn.
  • Loa điện thoại hoạt động không ổn định, có dấu hiệu rè, bị nhỏ hoặc không hoạt động.
  • Camera điện thoại bị lỗi nên không dùng được.
  • Màn hình điện thoại bị mờ, loang lổ hoặc là bị tối đen hoàn toàn.
  • Không kết nối được SIM, Wi-Fi trên điện thoại.

2. Các bước cần làm để cứu nguy điện thoại bị vô nước

Nhanh chóng lấy điện thoại ra khỏi nước

Việc đầu tiên bạn cần làm để cứu nguy điện thoại bị vô nước đó chính là lấy điện thoại ra khỏi nước càng nhanh càng tốt.

Đồng thời, bạn hãy hướng các cổng kết nối điện thoại xuống dưới để nước thoát ra ngoài. Tuyệt đối không quay các cổng kết nối theo hướng quay lên, điều này khiến nước bị chảy ngược vào bên trong máy gây ra hiện tượng chạm mạch.

Tắt nguồn điện thoại ngay lập tức

Sau khi đã lấy điện thoại ra khỏi nước, bạn hãy tắt nguồn điện thoại ngay lập tức, thay vì kiểm tra nút cứng và màn hình cảm ứng để tránh được tình trạng nước len lỏi vào bo mạch khiến chạm, đứt mạch điện.

Tháo rời điện thoại

Tiếp theo, bạn hãy tiến hành tháo rời điện thoại. Với điện thoại phổ thông, bạn hãy tháo rời từng bộ phận gồm SIM, thẻ nhớ, nắp lưng rồi lấy pin ra khỏi máy.

Còn với các dòng điện thoại smartphone bạn chỉ có thể tháo được phần vỏ, nên bạn hãy tháo nắp lưng điện thoại ra để nước có thể thoát ra nhanh hơn.

Làm khô bên ngoài điện thoại

  • Đối với nước bình thường: Bạn hãy sử dụng khăn vải mềm lau khô bề mặt điện thoại, rồi dùng tăm bông để lau cổng kết nối sạc điện thoại, tai nghe.
  • Đối với chất lỏng không phải nước thường (nước ngọt, nước muối,…): Bạn cần lấy khăn ẩm nhanh chóng lau điện thoại để loại bỏ nước bám vào, hạn chế khả năng gây bào mòn điện thoại do loại các loại nước này gây ra. Sau đó, bạn dùng một chiếc khăn khô, mềm lau chùi lại điện thoại một lần nữa.

Cach-xu-ly-dien-thoai-bi-vo-nuoc-ngay-tai-nha (5)

Làm khô điện thoại bên trong

  • Đặt điện thoại vào trong bao gạo hoặc túi hút ẩm: Gạo có khả năng hút nước tốt nên bạn đặt điện thoại vào bao gạo từ 1 – 2 ngày sẽ giúp điện thoại mau ráo nước. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng túi hút ẩm, hộp hút ẩm và đặt điện thoại vào trong từ 1 – 2 ngày để làm khô bên trong máy.
  • Sử dụng máy hút bụi: Bạn nên sử dụng loại máy hút bụi chuyên dụng dành cho điện thoại, máy tính để hút bớt nước bám vào điện thoại và giúp điện thoại khô nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các loại máy hút bụi thông thường, vì chúng có công suất lớn nên có thể làm hư hại điện thoại.
  • Đặt điện thoại trên một chiếc khăn mềm hoặc nơi có gió: Một cách đơn giản hơn là bạn có thể đặt điện thoại bên cạnh cửa sổ nơi có ánh mặt trời, gió thoáng mát. Tuy nhiên, bạn không nên để điện thoại tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu, có thể làm cho điện thoại bị sinh nhiệt, dễ hư hỏng hơn.
  • Đặt điện thoại trong bao gạo từ 1 – 2 ngày để làm khô bên trong điện thoại.

Chờ máy khô

Sau khi bạn đã hoàn thành xong các bước ở trên, việc bạn cần làm bây giờ chỉ là kiên nhẫn chờ đợi từ 1 – 2 ngày để cho máy khô. Đừng nên nóng vội mà khởi động lại máy ngay, bởi nó sẽ khiến tình trạng điện thoại trở nên tệ hơn.

Khởi động lại máy và sử dụng thử

Sau 1 – 2 ngày khi máy đã khô, bạn hãy tiến hành lắp pin vào máy lại (nếu sử dụng điện thoại phổ thông) rồi cắm sạc cho điện thoại một lúc. Cuối cùng, bạn tiến hành bật nút nguồn để khởi động lại máy.

Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng thử máy để kiểm tra xem micro, loa, các cổng kết nối của máy có hoạt động bình thường hay không.

Đem đến trung tâm bảo hành, sửa chữa uy tín

Khi máy bị vào nước quá nặng, bạn không nên tự ý sửa chữa, tháo lắp tại nhà. Điều đó có thể khiến điện thoại của bạn bị hỏng nặng hơn. Hãy mang đến trung tâm uy tín để được bảo hành và sửa chữa an toàn nhé!

3. Những điều không nên làm khi điện thoại bị vô nước

Sử dụng điện thoại liền khi chưa khô

Bạn không nên sử dụng điện thoại liền khi máy chưa khô, điều này có thể khiến cho các linh kiện, phím máy bị hư hỏng thêm. Do đó, bạn không nên nôn nóng dùng điện thoại ngay khi chúng chưa được ráo nước nhé!

Tự ý tháo rời linh kiện

Nếu điện thoại của bạn vẫn còn bảo hành chính hãng của nhà sản xuất thì bạn không nên tự ý tháo rời linh kiện vì có thể nó sẽ làm bạn mất bảo hành của hãng về sau.

Ngoài ra, khi bạn tự ý tháo rời linh kiện mà không am hiểu rõ về các bộ phận của điện thoại có thể sẽ làm điện thoại hỏng nhiều hơn. Do đó, bạn hãy đem điện thoại đến trung tâm bảo hành để được kiểm tra nhé!

Hong khô bằng máy sấy tóc

Một sai lầm dễ mắc phải khi xử lý điện thoại bị rơi xuống nước là dùng máy sấy tóc hong khô. Bởi luồng khí từ máy sấy khiến nước dễ bốc hơi và lan ra các bộ phận khác trong điện thoại nhanh hơn, khiến bảng mạch điện tử và các linh kiện bên trong máy hư hỏng nặng nề hơn.

Ngoài ra, các loại pin Lithium-ion trên điện thoại còn vô cùng nhạy cảm với nhiệt, nên khi sử dụng chế độ nóng trên máy sấy để hong khô máy, có thể khiến pin bị nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.

Để điện thoại đóng băng trong tủ lạnh

Nhiều người thường có quan niệm sai lầm rằng bọc điện thoại kĩ càng rồi đặt vào tủ lạnh ngăn đông có thể khiến điện thoại tránh khỏi hiện tượng chập mạch, giảm thiểu tính dẫn điện của nước.

Thực tế thì điện thoại sẽ lại rơi vào tình trạng như ban đầu ngay sau khi đá đã rã đông hoặc có thể sẽ rơi vào tình trạng trầm trọng hơn nên đây không phải cách khắc phục hiệu quả. Đồng thời, cách làm này còn có thể khiến màn hình điện thoại bị hư hỏng.

Quạt hoặc thổi vào điện thoại

Bạn nghĩ rằng dùng quạt hoặc thổi vào điện thoại có thể giúp điện thoại ráo nước nhanh hơn. Tuy nhiên, cách làm này thật sự sẽ khiến nước nhanh chóng lan đến các bộ phận, linh kiện khác bên trong máy và làm máy hư hại nặng nề hơn thôi nhé!

Lắc hoặc vỗ điện thoại

Nếu bạn cố gắng lắc hoặc vỗ điện thoại với mong muốn rằng nước sẽ thoát ra ngoài nhanh hơn, ít làm hư hại máy hơn thì hãy dừng lại đi nhé. Lắc hoặc vỗ điện thoại sẽ khiến cho nước lọt vào máy sâu hơn, khiến máy nhanh chóng hư hỏng, trầy xước thôi đấy!

Lau điện thoại không cẩn thận

Khi điện thoại bị rơi vào nước, bạn thường có thói quen chỉ lau khô phần bên ngoài mà quên lau các cổng kết nối điện thoại cũng như các bộ phận bên trong máy. Điều này sẽ khiến điện thoại dễ bị hư hỏng, nước bị kẹt lại trong máy.

Vì vậy, bạn hãy dùng thêm tăm bông hoặc các mảnh bông vụn để thấm nước, lau các cổng kết nối của điện thoại nhé!

Lưu ý: Bạn tuyệt đối không được nhét khăn vào cổng kết nối, cổng sạc điện thoại vì chúng sẽ không giúp bạn lau khô nước mà ngược lại là có thể làm ảnh hưởng các linh kiện máy bên trong đó nha.

Ngay lập tức sạc điện thoại

Nhiều người cho rằng sạc điện thoại có tác dụng làm nóng dần máy và giúp máy ráo nước nhanh chóng nhưng đây là một điều cực kì không nên làm. Nếu bạn cắm sạc trong khi điện thoại vừa bị vô nước có thể khiến dòng điện chạy qua mạch điện ướt gây giật điện, nguy hiểm cho bạn.

4. Kiểm tra bảo hành khi máy bị vô nước

Trong các trường hợp bảo hành, hãng sẽ từ chối sửa chữa và thay thế điện thoại nếu máy của bạn có nhãn LCI bị đổi màu. Các hãng sản xuất điện thoại thường dán trên máy một chiếc nhãn LCI để dùng làm thử nghiệm giấy quỳ khi xem xét điều kiện với chính sách bảo hành hiện có.

Vị trí nhãn LCI được dán ở những vị trí khác nhau tùy thuộc vào loại điện thoại, hãng sản xuất nên bạn hãy tìm trên điện thoại mình và kiểm tra xem máy của bạn có được hưởng chính sách bảo hành hay không nhé!

>>>Xem thêm: TOP 10 HÃNG ĐIỆN THOẠI CẢM ỨNG TỐT VÀ BỀN NHẤT HIỆN NAY

Theo Điện Máy Xanh

Từ khóa: ,